QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI – NGÀNH HỌC UY TÍN CỦA ĐẠI HỌC TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG HÀ NỘI ĐƯỢC XÃ HỘI THỪA NHẬN
Khoản 1, Điều 54, Hiến pháp năm 2013 quy định: Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật.
Phải khẳng định rằng, đất đai là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, là tài sản quan trọng của quốc gia, là tư liệu sản xuất đặc biệt, là điều kiện cần cho mọi hoạt động sản xuất và đời sống. Ở nước ta, khi còn nhiều người sống nhờ vào nông nghiệp, thì đất đai càng trở thành nguồn lực quan trọng.
Muốn phát huy tác dụng của nguồn lực đất đai, ngoài việc bảo vệ quỹ đất của quốc gia, còn phải quản lý đất đai hợp lý, nâng cao hiệu quả sử dụng đất sao cho vừa bảo đảm được lợi ích trước mắt, vừa tạo điều kiện sử dụng đất hiệu quả lâu dài để phát triển bền vững đất nước. Đất đai có vai trò quan trọng như vậy, nên việc hoàn thiện chế độ sở hữu, quản lý và sử dụng đất đai luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm.
Ở nước ta, đào tạo về quản lý đất đai ở bậc đại học đã được triển khai trên quy mô khá lớn, theo mã ngành đào tạo cấp IV quản lý đất đai (7850103 theo Thông tư 24/2017/TT-BGDĐT ngày 10/10/2017). Tại trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Quản lý đất đai là một ngành phát triển lâu dài và vững mạnh và hiện nay đã trở thành thương hiệu có uy tín được xã hội thừa nhận. Rất nhiều các thế hệ sinh viên được đào tạo tại trường đang đảm nhiệm các vị trí công tác quan trọng. Mục tiêu đào tạo ngành Quản lý đất đai của trường đó là:
- Đào tạo đội ngũ kỹ sư chuyên ngành quản lý đất đai có kiến thức chuyên môn và kỹ năng cơ bản về quản lý nhà nước về đất đai. Có khả năng ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đất đai. Có kiến thức cơ bản về khoa học tự nhiên, môi trường, kinh tế, xã hội phục vụ ngành.
Có phẩm chất chính trị đạo đức tốt, có ý thức tổ chức kỷ luật và trách nhiệm công dân; có khả năng tìm việc làm, có sức khoẻ phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước.
Các kỹ năng người học nhận được sau khi học xong ngành Quản lý đất đai:
- Áp dụng được các chính sách của nhà nước về quản lý đất đai cũng như các thủ tục hành chính liên quan trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai.
- Sử dụng thành thạo công cụ công nghệ thông tin trong quản lý đất đai, công nghệ địa chính.
- Có khả năng tham gia vào quy trình, lập và triển khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị và khu dân cư.
- Thực hiện điều tra cơ bản về đất đai, thống kê, kiểm kê đất đai.
- Thực hiện đúng các quy trình, thủ tục đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, lập, cập nhật, chỉnh lý và quản lý hồ sơ địa chính.
- Hiểu và có khả năng đầu tư, kinh doanh bất động sản
- Có khả năng đo vẽ, chỉnh lý và thành lập nên các bản đồ trong chuyên ngành quản lý đất đai.
- Có khả năng lập được phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Vị trí làm việc của người học sau khi tốt nghiệp
Người học sau khi tốt nghiệp ngành Quản lý đất đai có rất nhiều cơ hội lựa chọn vị trí việc làm. Cụ thể:
- Làm cán bộ công chức, viên chức hay cán bộ kỹ thuật tại các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương đến các cấp về lĩnh vực Quản lý đất đai như: Bộ Tài nguyên - Môi trường, Sở Tài nguyên - Môi trường các tỉnh, Các Trung tâm kỹ thuật tài nguyên, Trung tâm phát triển quỹ đất, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh, Phòng Tài nguyên - Môi trường, Văn phòng đăng ký, trung tâm phát triển quỹ đất các quận/huyện,
- Làm cán bộ Địa chính xã/phường. Hiện nay toàn quốc có hơn 10.000 đơn vị hành chính cấp xã, mỗi đơn vị hành chính cấp xã đều cần từ 2 đến 3 cán bộ địa chính chính quy. Do đó, nhu cầu nhân lực cho vị trí cán bộ địa chính xã, phường còn rất lớn.
- Chuyên viên cho các UBND các cấp Tỉnh/Thành Phố, Quận/huyện; các Viện nghiên cứu như: Viện nghiên cứu Địa chính, Viện Tài nguyên - Môi trường, Viện Quy hoạch - Thiết kế, Cục đo đạc bản đồ, Cục Quản lý đất đai, Chi cục Quản lý đất đai các tỉnh, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Khoa học Công nghệ, Sở Nội vụ, Sở Nông nghiệp và PTNT.
- Làm cán bộ công chức, viên chức hay cán bộ kỹ thuật tại các Chi cục, Trung tâm hoặc Văn phòng như: Chi cục quản lý đất đai, Chi cục môi trường, Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên đất và Môi trường; Trung tâm khai thác và kinh doanh bất động sản; các Khu Công nghiệp; Khu Kinh tế...
- Làm tư vấn cho các công ty như: Công ty đo đạc, Công ty môi giới và định giá bất động sản; các dự án liên quan đến đất đai và bất động sản, các đơn vị thẩm định giá (ngân hàng, công ty thẩm định giá…).
- Làm giảng viên, giáo viên hay nghiên cứu viên tại các Viện nghiên cứu thuộc lĩnh vực Quản lý đất đai, Các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, các Cơ sở giáo dục đào tạo có các ngành nghề về nông nghiệp, Hiệp hội, trung tâm dạy nghề.
- Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội công bố phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 202026.04.2020
- BẤT ĐỘNG SẢN – NGÀNH MỚI CỦA ĐẠI HỌC TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG22.04.2020
- NGÀNH BẤT ĐỘNG SẢN NGÀNH HỌC HẤP DẪN VÀ THU NHẬP CAO22.04.2020
- Tuyển sinh Đại học 2020: Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội mở 05 ngành học mới18.04.2020
- Tuyển sinh đại học vừa làm vừa học, liên thông vừa làm vừa học trình độ đại học đợt 1 (lần 1) năm 2020 (Sửa)18.04.2020