Chuyển tới nội dung

NGÀNH QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI VÀ NHỮNG THẮC MẮC THƯỜNG GẶP

01.05.2020

NGÀNH QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI VÀ NHỮNG THẮC MẮC THƯỜNG GẶP

1.  Sinh viên được cung cấp những kiến thức và kỹ năng gì khi theo học ngành Quản lý đất đai?

Chương trình đào tạo ngành quản lý đất đai tại các trường đại học trên cả nước đào tạo các kỹ sư Quản lý đất đai có kiến thức cơ sở, chuyên môn và kỹ năng thực hành, có đủ năng lực và trình độ để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn về quản lý đất đai. Cụ thể:

  •  Áp dụng được các chính sách của nhà nước về quản lý đất đai cũng như các thủ tục hành chính liên quan trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai.
  • Sử dụng thành thạo công cụ công nghệ thông tin trong quản lý đất đai, công nghệ địa chính.
  •  Có khả năng tham gia vào quy trình, lập và triển khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị và khu dân cư.
  • Thực hiện điều tra cơ bản về đất đai, thống kê, kiểm kê đất đai, đánh giá chất lượng đất.
  • Thực hiện đúng các quy trình, thủ tục đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, lập, cập nhật, chỉnh lý và quản lý hồ sơ địa chính. Quy trình giao đất, cho thuê đất.
  • Hiểu và có khả năng quản lý tài chính về đất đai, giá đất, kinh doanh bất động sản.
  • Có khả năng đo vẽ, chỉnh lý và thành lập nên các bản đồ trong chuyên ngành quản lý đất đai.
  • Có khả năng lập được phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Khả năng thanh tra, giám sát quản lý và sử dụng đất.

 

2. Cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp ngành Quản lý đất đai?

 

Người học sau khi tốt nghiệp ngành Quản lí đất đai có thể đảm nhận các vị trí như lãnh đạo, giảng viên, cán bộ tư vấn và chuyên viên tại các đơn vị:

+ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính;

+ Tổng cục Quản lí đất đai, Viện Nghiên cứu Quản lí đất đai, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ, Viện Quy hoạch thiết kế nông nghiệp, Viện Nông hóa thổ nhưỡng, Hội Trắc địa bản đồ Việt Nam; Cục Viễn thám Quốc gia; Cục Đo đạc Bản đồ và Thông tin Địa lý Việt Nam; Hội Khoa học đất; Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn…

+ Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Xây dựng các tỉnh thành phố, Sở Tài chính;

+ Văn phòng đăng ký đất đai, các bộ phận hành chính công.

+ Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Quản lí đô thị các quận, phòng Tài chính huyện, thị xã;

+ Cơ quan Địa chính – Xây dựng, Thanh tra xây dựng tại các xã, phường, thị trấn;

+ Tổng công ty Tài nguyên Môi trường, các công ty đo đạc thành lập bản đồ;

+ Các ngân hàng, tổ chức tín dụng; các tổ chức phi chính phủ.

+ Các đơn vị sự nghiệp ngành tài nguyên và môi trường.

+ Trung tâm tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng;

+ Trung tâm định giá đất, môi giới nhà đất, sàn giao dịch bất động sản;

+ Giảng viên ngành Quản lí đất đai, Địa chính tại trường đại học, cao đẳng, trung cấp.

 

3. Các tố chất cần thiết để làm việc trong lĩnh vực quản lý đất đai?

 

Để học làm việc và thành công trong ngành Quản lý đất đai bạn cần có những tố chất và kỹ năng sau đây:

  • Có bản lĩnh chính trị vững vàng, không bị lợi ích điều khiển hành vi do công việc của người quản lý đất đai thường liên quan đến rất nhiều vấn đề nhạy cảm của xã hội dẫn đến việc dễ dàng thỏa hiệp để trục lợi.
  • Là người có trách nhiệm, nhiệt tình, say mê với công việc. Do đặc thù công việc quản lý đất đai rất đa dạng, phúc tạp, khối lượng công việc lớn do đó đòi hỏi người làm công tác quản lý đất đai cần có ý chí phấn đấu, trách nhiệm, nhiệt tình, say mê để hoàn thành công việc được giao có hiệu quả cao.
  • Có phong cách làm việc khoa học, có hệ thống, sâu sát, tỉ mỉ. Do đất đai có rất nhiều đặc điểm phức tạp về tự nhiên, kinh tế, xã hội, pháp lý và môi trường nên người làm công tác quản lý đất đai cần biết săp xếp công việc một cách khoa học, có hệ thống nhằm nắm bắt được tất cả các đặc điểm của đất đai nơi mình quản lý.
  • Có tính sáng tạo, năng động trong công việc nhằm áp dụng được các công nghệ mới trong lĩnh vực quản lý đất đai để quản lý sử dụng đất đai một cách hiệu quả, có khả năng nhạy bén với thị trường, với sự phát triển của xã hội nhằm hoạt động tốt trong cách hoạt động kinh tế đất.
  • Có khả năng giao tiếp, thuyết trình tốt, biết cách tạo lập được mối quan hệ. Do tính chất công việc của các cán bộ địa chính là tiếp xúc trực tiếp với người sử dụng đất nên để trao đổi, giải thích, vận động, yêu cầu người sử dụng đất phối hợp trong việc sử dụng đất đúng pháp luật, hiệu quả kinh tế cao và đảm bảo phát triển bền vững người cán bộ địa chính cần có tố chất tốt về giao tiếp, thuyết trình và dễ dàng tạo lập mối quan hệ.
  • Biết học và tự học, học hỏi những người đồng nghiệp đi trước là một phẩm chất à bất cứ người làm trong lĩnh vực nào cũng cần có.

 

Bài viết khác